Xin giấy phép xây dựng khi nhà chưa có chủ quyền?

Năm 2001 tôi có mua một mảnh đất nhỏ diện tích khoảng 25m2 (3,3mx7m) hẻm rộng 4m tại phường Phước Long B, quận 9 (TP.HCM) bằng giấy tay và có xây một căn nhà cấp 4 ở cho đến nay. Tôi đã xin được số nhà và có đóng thuế đất hằng năm, ngoài ra không có giấy tờ nào khác.

Nay con tôi đã lớn, không đủ chỗ ở, nhà bị xuống cấp nặng nên tôi muốn xây lại, dự định xây nhà một trệt một lầu. Nhưng theo tôi được biết, trường hợp của tôi không thể xin giấy phép xây dựng và diện tích đất cũng không đủ điều kiện để làm giấy tờ theo luật mới?

Xin hỏi nếu xây lại nhà tôi cần phải làm gì? Làm sao để đúng luật và không bị địa chính phường phạt?


Tên người gửi: Thanh Tuấn
Nick yahoo:
Ngày gửi: 11:00 (19/05/2010)
Số lượt xem: 3199
Trả lời: 1
Danh sách trả lời (1)

Về xây dựng nhà chưa có chủ quyền:

Căn cứ điều 7 quyết định số 04/2006/QĐ-UBND ngày 17-1-2006 của UBND TP, khi lập hồ sơ xin giấy phép xây dựng, chủ nhà phải có những giấy tờ hợp lệ về nhà ở và đất ở.

Theo thư trình bày, căn nhà của ông/bà mua vào năm 2001, theo những giấy tờ hiện nay ông đang có thì chưa phải là những giấy tờ hợp lệ về nhà ở và đất ở. Do đó, trước khi xin giấy phép xây dựng, ông phải lập thủ tục xin cấp giấy chứng nhận cho căn nhà nêu trên.

Trong trường hợp căn nhà trên là nhà ở riêng lẻ nằm trong khu dân cư hiện hữu, sử dụng ổn định từ trước ngày 15-10-1993, hiện phù hợp với quy hoạch xây dựng làm nhà ở và chủ nhà phải làm giấy cam kết ranh giới thửa đất không có tranh chấp và được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận, thì tuy căn nhà không có các giấy tờ hợp lệ về nhà đất vẫn được xem xét cấp giấy phép xây dựng.

Về diện tích tối thiểu khi xây dựng:

Căn cứ điểm b 2.2, khoản 2, điều 6 quyết định 135/2007/QĐ-UBND ngày 8-12-2007 của UBND TP, đối với lô đất có diện tích từ 15m2 đến dưới 36m2 có vị trí trong hẻm, nhà có chiều rộng từ 3m trở lên thì được phép cải tạo sửa chữa theo hiện trạng hay xây dựng mới tối đa ba tầng (có thể bố trí tầng lửng tại tầng trệt và mái che cầu thang tại sân thượng), chiều cao tối đa không quá 15,6m.

Theo thư trình bày, căn nhà của ông có diện tích 23,76m2, chiều ngang 3,3m, chiều dài 7,2m. Căn cứ quyết định nêu trên thì ông được phép sửa chữa, cải tạo hay xây mới tối đa ba tầng, chiều cao tối đa 15,6m

Về thủ tục và trình tự xin giấy phép xây dựng:

Sau khi có giấy chứng nhận về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, ông có thể lập hồ sơ xin giấy phép xây dựng đính kèm bản vẽ thiết kế xây dựng. Chỉ sau khi có giấy phép xây dựng ông mới được quyền khởi công xây dựng. Trước và sau khi khởi công xây dựng, ông cần chú ý những điểm sau:

+ Trước khi khởi công xây dựng, ông phải thông báo bằng văn bản cho UBND xã, phường nơi xây dựng công trình trong thời hạn bảy ngày làm việc về ngày khởi công xây dựng.

+ Theo biển báo tại công trường thi công, nội dung biển báo gồm: số và ngày cấp giấy phép xây dựng, tên chủ đầu tư xây dựng công trình, ngày khởi công, ngày dự kiến hoàn thành, tên đơn vị thi công, tên chỉ huy trưởng công trình, tên đơn vị thiết kế, tên người hay tổ chức giám sát thi công (nếu có). Đồng thời ghi rõ địa chỉ liên lạc và số điện thoại.

+ Sao y bản chính giấy phép xây dựng, bản vẽ kèm theo và để tài liệu này tại nơi thi công xây dựng công trình để thuận lợi cho việc kiểm tra.

+ Liên hệ với cơ quan chức năng như phường, xã, phòng quản lý đô thị hay sở giao thông công chính tùy theo tuyến đường, để làm thủ tục xin phép sử dụng lề đường, nếu có sử dụng lề đường khi thi công.

Khi chuẩn bị khởi công, phải thông báo cho cơ quan cấp giấy phép xây dựng bằng văn bản (có đề xuất ngày, giờ kiểm tra) trước bảy ngày khởi công, để cơ quan này cử cán bộ đến kiểm tra định vị móng, xác định ranh đất xây dựng (theo hướng đầu tư tại văn bản số 2032/HĐ-SQH - QLXD ngày 29-3-2007 của Sở Xây dựng TP.HCM).

Luật sư PHẠM ĐÌNH SƠN


Người trả lời: Đỗ Xuân Trang
Nick yahoo:
Thời gian: 12:02 (19/05/2010)